Dinh Cậu hay Miếu Dinh Cậu Phú Quốc nằm ngay vị trí trung tâm của đảo Ngọc thuộc thị trấn Dương Đông được du khách đánh giá là một trong những điểm đến gây tò mò với du khách nhất khi tới Phú Quốc. Không chỉ bởi vị trí đặc biệt của Dinh Cậu mà còn bởi những truyền thuyết ly kì về ngôi miếu này đấy.
Hẳn là bạn sẽ bất ngờ khi biết rằng Dinh Cậu nằm ngay tại thị Trấn Dương Đông , trung tâm của đảo Phú Quốc. Dinh Cậu chỉ cách chợ đêm Phú Quốc chừng 3 phút đi bộ. Bạn có thể dễ dàng khám phá được địa điểm thú vị này mà không cân phải thuê xe .
Nếu một lần bạn ngắm được ngắm cảnh hoàng hôn trên đảo Phú Quốc hướng về phía Dinh Cậu thì chắc hẳn điều này sẽ ghi dấu khắc khoải trong tâm trí của những ai yêu cái đẹp. Cảnh tượng hoàng hôn Dinh Cậu tại Phú Quốc huyền ảo lung linh mang lại niềm vui, thỏa mái trong lòng du khách. Vậy bạn có biết về Dinh Cậu không?
Từ xa xưa, Dinh Cậu Phú Quốc đã nổi danh khắp chốn nhờ vào sự linh thiêng của ngôi miếu này đem lại cho ngư dân trên đảo. “ Ngàn xưa anh linh vang bốn biển. Dinh Cậu là bình phong bảo vệ dân” .Có lẽ vì điều này, mà bất cứ ai đến với Phú Quốc, đều xem Dinh Cậu là điểm đến chính trong tour của mình . Dành nhiều thời gian để tìm hiểu về những truyền thuyết ly kì của ngôi miếu cổ kính này.
Dinh Cậu là một miếu cổ đơn sơ, kiến trúc hiện thời là tân tạo trong vài năm trở lại đây. Người dân đảo thường gọi là Ngôi Miếu Long Vương. Khoảng thế kỷ thứ 17, tương truyền có từ khi những cư dân đầu tiên từ miền Trung đến định cư trên đảo. Nhiều ngư dân ra khơi gặp sóng dữ đã mãi mãi không về.
Đột nhiên họ thấy một mỏm đá dần dần nổi lên nơi cửa biển và đã đáp được bờ. Dân đảo cho là núi thiêng lập miếu thờ để cầu mong thần linh che chở trước tai ương biển cả. Họ bắt đầu đến đây thờ cúng và quả nhiên chuyến đi ra khơi gặp sóng êm biển lặng. Tin lành đồn xa dần dần hình thành nên tục thờ cúng tại mỏm đá này và đặt tên là Dinh Cậu.
Dinh Cậu liên quan mật thiết với tục thờ bà tổ tức tục thờ Mẫu và Cậu Tai – con trai út cưng của bà. Trong tiến trình Nam tiến khai hoang người ta gọi trệt đi “Cầu Tai” là “Cầu Tài” từ chữ “Tài” đến chữ “Tai” cho thấy bước phát triển mới về chủ nghĩa duy vật mộc mạc trong tư duy của nhân dân lao động khai hoang xưa.
Ven cổng lên núi là một ngôi miếu Thổ thần. Đường lên miếu gồm 29 bậc đá. Bên ngoài ngôi miếu thờ Long Vương là bàn thờ “thông thiên”. Bên trong ngôi miếu thờ Long Vương không phải là tượng cốt của Long Vương, của ông Cậu mà là 3 nhân vật thuộc về tín ngưỡng Chăm tức Bà Chúa Ngọc cùng 2 cậu con trai là Cậu Tài, Cậu Quí.
Hiện nay, nhiều giai thoại huyễn hoặc liên quan đến Dinh Cậu được du khách lưu truyền rộng rãi từ Nam chí Bắc. Hầu hết những giai thoại “hiện đại” ấy đều xuất phát từ việc thờ sai đối tượng trong miếu Long Vương. Giai thoại hiện đại này cho rằng, linh thần Dinh Cậu là “Cậu Tài, Cậu Quí”. Theo tín ngưỡng dân gian, Cậu Tài, Cậu Quí rất mê cờ bạc, đá gà. Chính vì nghĩ Dinh Cậu thờ “Cậu Tài, Cậu Quí” nên rất nhiều “hảo hán cờ bạc” từ Nam chí Bắc đã “đua nhau” về đây cúng kiếng cầu xin vận may.
Nhiều bậc kỳ lão được sinh ra trên đảo khẳng định rằng. Hồi đầu thế kỷ XX có một người đàn ông lạ xuất hiện tại ngôi miếu Long Vương. Lúc đầu, ông tá túc trong miếu, tự làm các công việc quét dọn, nhang đèn. Ông tịnh khẩu, không nói chuyện mà chỉ ra dấu nên không ai biết quê quán, gốc gác ở đâu.
Mọi người chỉ đoán ông là người từ đất liền ra đảo tìm chốn tu hành. Một thời gian sau, ông ta không ở trong miếu nữa mà chui xuống hang dưới lòng hòn đá lớn quy ẩn. Ông dùng đá tự lấp cửa hang. Nhiều người lo ông chết đói đã đem cơm chay đến đặt trước cửa hang nhưng đến ngày sau vẫn thấy còn nguyên.
Ông ta ẩn tu suốt 2 năm liền như thế. Một ngày nọ, người ta thấy ông ra khỏi hang, trở lên miếu Long Vương tiếp tục công việc của một thủ từ. Lần xuất hiện này, ông chịu nói chuyện nhưng rất kiệm lời. Mỗi khi mở miệng, ông thường tiên tri hậu vận cho những người đến miếu Long Vương lễ bái. Vào những ngày 15, 16 tháng 10 âm lịch hàng tháng, ông ta tự ngồi giá, lên đồng để phát lộc cho các ngư phủ đến cúng. Đến những ngày 15, 16 tháng 10 âm lịch hàng năm ông tổ chức lễ cúng Long Vương. Trong buổi cúng, ông cũng để lên đồng ban phát bùa cầu an, phát tài. Từ đó, dân quanh vùng gọi ông là “Cậu”.
Thời nhà Nguyễn có ghi nhận một truyền thuyết cho rằng “Cậu Tài, Cậu Quí” là 2 anh em ruột đều là con của Thánh Mẫu Chúa Ngọc Nương Nương, tức Nữ thần Thiên Y A Na – Poh Yang Inư Nagar (theo tín ngưỡng Chăm). Truyền thuyết này có xuất xứ tận Nha Trang cùng thời gian xuất hiện miếu Long Vương ở Phú Quốc.
Một luồng truyền thuyết khác cho rằng, năm 1777, trong cuộc bôn tẩu, Nguyễn Ánh, bị quân Tây Sơn truy đuổi có đến lánh nạn tại hòn đảo Phú Quốc. Tại đây, đoàn tàu của ông ta bị mắc cạn tại rặng đá ngầm ở một mũi đảo. Trong cơn nguy khốn, Nguyễn Ánh cùng đoàn tùy tùng khẩn cầu Bà Chúa Ngọc phù hộ độ trì. Ông hứa, sau khi lấy lại được vương triều sẽ phong sắc “Thượng Đẳng Linh Thần” cho bà.
Sau khi khấn xong, bỗng có một ngư phủ trên bờ trông thấy tàu mắc cạn đã dùng dây rừng kéo tàu ra khỏi chỗ nông và đưa mọi người lên bờ an toàn. Ngư phủ được Nguyễn Ánh phong ngay cho chức “đội”. Nơi đó được Nguyễn Ánh đặt tên là mũi Ông Đội.
Khi lên bờ, Nguyễn Ánh dùng kiếm cắm xuống một khe đá ven bờ để lấy nước ngọt. Đồng thời in dấu giày trên một tảng đá để làm chứng tích. Nhớ lời hứa, sau khi lấy lại được vương triều. Nguyễn Ánh đã sắc phong cho Bà Chúa Ngọc và cất ngôi thờ tại Dương Đông. Vì thế, Dinh Cậu là nơi thờ Cậu Tài, Cậu Quí là đúng. Những người đồng ý với giả thuyết này còn khẳng định, tại một bãi biển hoang sơ có tên gọi là mũi Ông Đội, thuộc An Thới, Phú Quốc vẫn còn lưu dấu tích Nguyễn Ánh bôn đào.
Tuy nhiên, hầu hết những nhà nghiên cứu về Phú Quốc đều phủ nhận điều đó. Để xác tín thông tin, chúng tôi đến tận mũi Ông Đội. Đó là một mũi đá nhô ra biển nằm chơi vơi nơi hẻo lánh, hoang sơ vẫn còn khỉ rừng cư trú. Để đến đó chúng tôi phải thuê tàu từ bãi Sao (An Thới) chạy men theo vách đá hơn nửa giờ.
Quả nhiên, tại đây vẫn còn một số “hiện vật” của Nguyễn Ánh như: Ngai vua, giếng ngự, dấu giày và một ngôi miếu thờ. Tuy nhiên “hiện vật” được gọi là “Ngai vua” chỉ là một phiến đá có hình thù giống chiếc ghế bành; giếng ngự được người dân địa phương xây xi măng bao quanh chỉ là một mạch nước khe chảy ra từ lòng đảo; dấu giày in trên đá trông giống như có bàn tay chạm khắc của con người. Riêng ngôi miếu thì có vẻ như đã tồn tại nơi đó rất lâu.
Và chính ngôi miếu thờ Vua Gia Long đã xác tín rằng, Dinh Cậu không liên quan gì đến việc Nguyễn Ánh bôn đào ra Phú Quốc. Bởi, nếu Vua Gia Long có sắc phong thì cũng trao cho nơi ông ta đã từng trú ngụ, tức mũi Ông Đội. Vả lại, tính theo đường chim bay từ mũi Ông Đội đến Dinh Cậu là một khoảng cách hơn 15 km.
Hàng năm vào những ngày lễ lớn, Tết Nguyên đán, dân đảo và các chủ ghe tàu đến viếng rất đông. Đặc biệt là vào ngày 15-16/10 âm lịch, người ta mở lễ hội, nhờ đó Dinh Cậu có sức hấp dẫn rất lớn đối với du khách. Mỗi năm thu hút hơn 100.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ ngơi, tắm biển, ngắm nhìn mây, nước mênh mông.
Suốt hơn 300 năm tồn tại, Dinh Cậu ẩn chứa nhiều câu chuyện huyền bí thú vị được ngư dân lưu truyền đến tận ngày nay. Dinh Cậu cũng chính là biểu tượng của Phú Quốc nơi Biển – Cát – Nắng – Đá hòa trộn với nhau thành một khung cảnh hữu tình. Cả biển trời ngã dần sang màu vàng đậm, khoảnh khắc trước màn đêm buông xuống màu đỏ sẫm, tiếng sóng biển lóng lánh như giác bằng hồng ngọc đầy hấp dẫn để du khách thập phương tìm hiểu và khám phá trong những tour du lịch Phú Quốc.